[Đăng ngày
05/08/2018]
Khái quát vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, địa giới hành chính và dân cư
Thông tin chung: Xã Vạn Thắng nằm ở phía đông thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, cách trung tâm thị trấn Vạn Giã 3km. Là một xã miền biển, phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ. Địa hình xã phần lớn là đồng bằng tiếp giáp biển theo hướng Đông Nam, còn lại 21,9% diện tích đất là đồi núi nằm ở phía Bắc. Vạn Thắng là vùng đất có giá trị cao về khai thác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Vị trí địa lý: Xã Vạn Thắng nằm phía Đông Bắc thị trấn Vạn Giã huyện Vạn Ninh, cách trung tâm thị trấn 3km, nằm dọc QL1A và đường sắt Bắc Nam, nên thuận lợi về mặt giao thông.
Diện tích tự nhiên toàn xã là 1.765,87ha. Xã có vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc giáp xã Vạn Bình và Vạn Khánh.
- Phía Nam giáp biển.
- Phía Đông giáp Biển và xã Vạn Khánh.
- Phía Tây giáp xã Vạn Bình và Vạn Phú.
Xã gồm có 8 thôn: Phú Hội 1, Phú Hội 2, Phú Hội 3, Quảng Hội 1, Quảng Hội 2, Suối Luồng, Tân Dân 1, Tân Dân 2.
Khu trung tâm xã tập trung các điểm dân cư đang phát triển thuộc thôn Phú Hội 1, Phú Hội 2, Quảng Hội 1, Quảng Hội 2 nằm dọc theo trục đường từ thị trấn Vạn Giã đi Tu Bông, cách trung tâm huyện khoảng 1km.
Điều kiện tự nhiên:
- Xã Vạn Thắng thuộc xã vùng biển, được chia thành hai dạng địa hình chính như sau:
+ Địa hình đồi núi: nằm ở phía Bắc của xã là các dãy núi cao chiếm 33,7% có diện tích 595ha.
+ Địa hình đồng bằng: nằm ở phía Nam và phía Đông tiếp xúc với biển, trải dài khoảng 3km, diện tích khoảng 1.170ha, chiếm 66,3% diện tích tự nhiên của xã, trong đó gồm có đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và sông suối ao hồ.
Độ dốc thấp dần từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam, địa hình bằng phẳng, thuận lợi để phát triển nông nghiệp và khu nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao.
- Đặc điểm khí hậu:
Xã Vạn Thắng thuộc vùng đồng bằng ven biển của huyện Vạn Ninh, vùng đồng bằng ven biển giáp với Tu Bông chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Bắc.
a) Nhiệt độ không khí trung bình: 26,6ºC, nhiệt độ cao nhất: 34ºC, nhiệt độ thấp nhất: 17ºC, hàng năm nhiệt độ cao nhất vào tháng 4 và thấp nhất vào tháng 1.
b) Gió: Hướng gió chủ yếu là gió Nam, gió Đông Nam. Vận tốc gió trung bình: 3m/s. Bão thường đổ bộ vào đất liền từ tháng 9- tháng 12, tập trung vào tháng 10- tháng 11.
c) Độ ẩm không khí: Trung bình hàng năm cao 70-80%, độ ẩm trung bình tháng không cách biệt nhiều. Mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình từ 95-98%, mùa khô từ 81-87%. Độ ẩm cao nhất và thấp nhất trong ngày chênh lệch lớn. Độ ẩm tuyệt đối từ 20-35% tuỳ theo năm.
d) Mưa: Lượng mưa trung bình năm 1252mm. Mùa mưa: 5 tháng ( tháng 9-12) chiếm 80-85% lượng mưa cả năm. Mùa khô: 7 tháng ( tháng 1-7) chiếm 20-30% lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 1, 2. Tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 10, 11.
e) Nắng: Số giờ nắng trung bình năm: 2.560 giờ/năm. Do xã ở vùng cao nên có đặc trưng của khí hậu nhiệt đới vùng núi cao, mát mẽ, ôn hòa quanh năm, không có hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió nóng, sương muối.
Điều kiện khí hậu thời tiết trên rất thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân.
- Đặc điểm thủy văn:
Do đặc điểm địa hình thấp dần ra biển, nên đã hình thành một số tuyến kênh rạch, phân bố khắp địa bàn xã, đổ ra biển. Vùng ven biển chiu ảnh hưởng của thủy triều biên độ giao động 1,2-1,5m không gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản.
- Tài nguyên thiên nhiên:
a) Tài nguyên đất:
Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 1.765,87ha, gồm các loại đất sau:
- Đất nông nghiệp: 849,11ha, trong đó đất trồng lúa là 494,40 ha.
- Đất phi nông nghiệp 268,76ha.
- Đất trồng rừng:84,67 ha
- Đất chưa sử dụng: 400,50ha.
- Đất có mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản: 126,10ha
- Còn lại là các loại đất khác ( sông, suối…).
b) Tài nguyên khoáng sản:
Mỏ đá Tân Dân với trữ lượng đá granite lớn nằm ở phía Tây Bắc thuộc thôn Tân Dân 1 và thôn Suối Luồng, sản lượng khai thác hàng năm trên 8.500 m3.
c) Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt: nguồn nước mặt trên địa bàn xã được cung cấp từ các suối nhỏ, đập nước Tân Dân, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nước ngầm: do ở địa hình ven biển nên mực nước ngầm thấp 4 – 6 m. Nguồn nước này được khai thác (đào và khoan giếng) dùng cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, chất lượng nước khá tốt, không bị nhiễm sắt, chì…
d) Tài nguyên rừng:
Diện tích đất rừng và đồi núi là 595 ha chiếm khoảng 33,7% diện tích tự nhiên của xã, vì vậy xã có tài nguyên rừng vô cùng phong phú, vừa có rừng phòng hộ, vừa có rừng trồng sản xuất.